V. Gordon Childe
Vere Gordon Childe (14 tháng 4 năm 189219 tháng 10 năm 1957) là một nhà khảo cổ người Úc có chuyên môn về châu Âu tiền sử. Dành phần lớn cuộc đời gắn bó với Vương quốc Anh, từng công tác tại Đại học Edinburgh và Viện Khảo cổ học, London, ông đã viết tổng cộng 26 cuốn sách xuyên suốt sự nghiệp học thuật của mình. Tuy ban đầu theo trường phái khảo cổ học văn hóa – lịch sử, ông về sau trở thành người mở đường cho ngành khảo cổ học Marxist ở phương Tây.Sinh ra và lớn lên ở Sydney trong một gia đình nhập cư trung lưu, Childe theo học ngành nghiên cứu cổ điển tại Đại học Sydney trước khi chuyển tới Anh để theo đuổi khảo cổ học cổ điển tại Đại học Oxford. Tại đây, ông tham gia phong trào xã hội chủ nghĩa và biểu tình phản đối Thế chiến thứ nhất, cho rằng đó là cuộc chiến của những nước đế quốc gây bất lợi cho giai cấp công nhân châu Âu. Trở về Úc vào năm 1917, ông bị cấm cửa công tác vì tiền sự chính trị của mình. Không hề nhụt chí, ông gia nhập Công Đảng Úc với vai trò thư ký riêng của chính trị gia John Storey. Ngày càng bất bình với các đảng viên Công Đảng, ông đã viết một bài luận phê phán chính sách của họ và đi theo tổ chức công đoàn cực đoan Công nhân Công nghiệp Thế giới. Chuyển tới sống ở London vào năm 1921, ông làm thủ thư tại Viện Nhân học Hoàng gia, rồi chu du khắp châu Âu để nghiên cứu về giai đoạn tiền sử, đồng thời xuất bản các khám phá của mình trên nhiều tập san và sách báo học thuật. Qua đó, ông đã giới thiệu khái niệm văn hóa khảo cổ toàn châu lục — tức là cứ một tập hợp di vật lặp lại tương ứng với một nền văn hóa riêng lẻ — cho cộng đồng khảo cổ Anh quốc.
Từ năm 1927 tới năm 1946, Childe là Giáo sư Khảo cổ học Abercromby tại Đại học Edinburgh, và trở thành giám đốc Viện Khảo cổ, London từ năm 1947 tới năm 1957. Trong khoảng thời gian này, ông giám sát công tác khai quật các di chỉ khảo cổ tại Scotland và Bắc Ireland, đào sâu nghiên cứu xã hội thời đại đồ đá mới Orkney thông qua di chỉ Skara Brae và các khu mộ táng buồng tại Maeshowe và Quoyness. Trong những thập kỷ tiếp theo, ông làm việc hết sức năng suất, xuất bản nhiều báo cáo khảo cổ, bài viết, và sách tham khảo. Bắt tay với Stuart Piggott và Grahame Clark, ông đồng sáng lập Hội Tiền sử học vào năm 1934 và trở thành chủ tịch đầu tiên của hội. Kiên trung với chủ nghĩa xã hội, ông tâm phục chủ nghĩa Marx, và — bác bỏ lối tiếp cận văn hóa lịch sử — vận dụng các ý tưởng Marxist như chủ nghĩa duy vật lịch sử làm khung sườn để diễn giải các dữ liệu khảo cổ. Ông là người có cảm tình với Liên Xô và đã nhiều lần tới thăm đất nước này tuy có ngờ vực chính sách đối ngoại của họ sau sự kiện năm 1956 ở Hungary. Niềm tin chủ nghĩa xã hội của Childe đã khiến Hoa Kỳ từ chối cho ông nhập cảnh mặc dù đã nhiều lần được các cơ sở học thuật của đất nước này mời sang thỉnh giảng. Trong những năm hưu trí, Childe trở về Blue Mountains, nơi rốt cuộc ông tự tử.
Với tư cách là một trong những nhà khảo cổ học nổi tiếng và được trích dẫn nhiều nhất thế kỷ thứ 20, Childe được mệnh danh là "người tổng hợp vĩ đại" với các công trình học thuật quý giá đã góp phần chắp nối các mảnh vỡ khảo cổ học địa phương thành một bức tranh toàn diện về Cận Đông và châu Âu tiền sử. Childe cũng được biết đến vì hướng nghiên cứu chú trọng vai trò của cách mạng kinh tế và kỹ nghệ đối với xã hội loài người, chẳng hạn như Cách mạng Đá mới và Cách mạng Đô thị, bắt nguồn từ ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx. Tuy nhiều diễn giải của ông ngày nay đã bị bác bỏ, Childe vẫn được tôn vinh trong giới khảo cổ học. Được cung cấp bởi Wikipedia
1